Văn hoá

Bảo tồn mỹ tục và tết nhảy của người Dao Phú Thọ

Bảo tồn mỹ tục và tết nhảy của người Dao Phú Thọ
Thực hiện nghi lễ cúng Bàn Vương và tri ân tổ tiên trong lễ cấp sắc của người Dao bản Đù, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập.  Ảnh Đinh Vũ

PTO – Tìm hiểu về văn hoá dân gian của người Dao ở Phú Thọ, các học giả đã thừa nhận: Tuy sống xen kẽ với người Mường, về mặt văn hoá luôn có sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau, song về cơ bản “chất văn hoá Dao” vẫn giữ được bản sắc của mình. 

Gia đình người Dao ở Phú Thọ vẫn duy trì tục làm lễ lập tĩnh, lễ đặt tên thánh sư (tên âm) cho con trai người Dao đến tuổi trưởng thành. Theo quan niệm của người Dao, phải sau khi làm lễ lập tĩnh, người con trai đó mới gia nhập ma vào dòng họ, danh tính của người lập tĩnh do cha mẹ đặt tên từ khi mới sinh ra, nhưng phải qua lễ lập tĩnh, hay còn gọi là “lễ cấp sắc” này mới được ông thầy cúng đặt cho cái tên (ma) để báo cáo với tổ tiên, thần thánh, thiên đàng công nhận tên đó của mình.

Người Dao ở Phú Thọ còn có một nghi lễ quan trọng khác, đó là tết nhảy, đây là nghi lễ cúng tạ ơn Bàn Vương, tổ tiên đã phù hộ cho ông cha mình vượt qua được sóng to, gió lớn nơi biển khơi, sống sót lên được đất liền trong cuộc thiên di từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cả hai nhóm Dao tiền và Dao quần chẹt đều có những họ không có tục làm tết nhảy, những họ không làm tết nhảy là do khi thiên di đến Việt Nam bằng đường bộ hoặc đi trên thuyền không gặp nạn.

Thời gian làm tết nhảy của cả 2 nhóm Dao tiền và Dao quần chẹt có sự khác nhau, phần lớn các họ của nhóm Dao tiền làm tết nhảy từ ngày 29 đến ngày 2 tết, ngày 3 tết âm lịch. Các họ Dao quần chẹt lại làm tết nhảy xong trước tết âm lịch, thông thường họ tổ chức từ 12 đến 27 hoặc 28 tháng chạp. Tuy nhiên trong mỗi họ của mỗi nhóm cũng có những khác nhau về thời gian và chu kỳ tết nhảy, vì còn tùy theo lời thề ước của từng dòng họ mà có họ 3 năm, 5 năm, 9 năm hoặc 12, 15 năm làm một lần, thông thường nhóm Dao tiền 3 năm tổ chức một lần tết nhảy, nhóm Dao quần chẹt nhiều khi 15 năm mới tổ chức 1 lần, (mỗi lần tổ chức 3 năm liền). Trong lễ lập tĩnh và tết nhảy, xen kẽ hoặc sau phần nghi lễ cúng tế, là tổ chức nhảy múa với các điệu múa truyền thống.  

Lễ cúng Bàn Vương

Bàn Vương là thủy tổ của người Dao. Thông thường lễ cúng Bàn Vương được kết hợp với lễ cấp sắc, nhưng có thể tổ chức riêng. Nghi lễ diễn ra vào cuối năm, khoảng 1 ngày 2 đêm, trước bàn thờ của ông trưởng dòng họ. Khi làm lễ họ phải mời 3 thầy cúng thông thạo, 3 người đàn ông đã qua lễ cấp sắc, 3 đôi nam nữ thanh thiếu niên chưa xây dựng gia đình. Để vào lễ, người ta lập hai đàn cúng, treo các tranh thờ tổ tiên, sau đó các thầy cúng mời bàn vương và tổ tiên họ tộc đến dự lễ, còn 3 đôi nam nữ thiếu niên thì đứng thành 2 hàng ở phía sau thầy cúng để vái chào các bậc thánh thần.

Tiếp đến họ mổ 2 con lợn bày ra 2 đàn cúng trên để các thầy cúng làm lễ giao nộp cho tổ tiên dòng họ và bàn vương, họ bày tiếp một bàn dài ở giữa nhà, trên đó có 3 bát thịt lợn hoặc 3 bát thịt sóc xào, 3 bát rau cải nấu, 6 bát ăn cơm và 6 đôi đũa, đặc biệt có 1 quyển sách cúng gọi là tôm cháo sâu, được thầy cúng và 3 người đã qua cấp sắc đọc, sách nói về vai trò của Bàn Vương, quá trình thiên di của người Dao, lúc đó 3 đôi nam nữ thiếu niên hát khoảng 36 bài hát với nhiều nội dung khác nhau.

Sau khi đọc một nửa quyển sách, các thầy được uống rượu và nhấm nháp thức ăn bày ở trên bàn. Đọc xong, họ giả vờ vứt quyển sách xuống đất và nói rằng phải nhớ những điều ghi trong sách, lần sau dù có mang ơn cũng không đọc lại nữa. Tiếp đến, những người giúp việc bày một mâm cúng ở phía ngoài cửa chính để các thầy cúng gọi vía cho thóc lúa, hoa màu và tất cả mọi người trong dòng họ luôn được khỏe mạnh, phát triển đông đúc, làm ăn phát đạt. 

t7-den-trang01-1553902386

Lễ tết nhảy

Mục đích của nghi lễ là cúng tổ tiên, nhất là Bàn Vương, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống sinh hoạt của dòng họ và gia đình. Tùy từng địa phương, có nơi tổ chức lễ trước Tết Nguyên đán vài ngày, nhưng cũng có nơi làm lễ vào ngày mồng một và mồng hai Tết. Họ chuẩn bị các lễ vật tế lễ, nhạc cụ, lễ phục và các đồ khí tự như đoản kiếm sắt, cờ, đao, mác bằng gỗ… và mời 2 thầy cúng đến để chủ trì và một thầy lên đồng để tái hiện lại hoàn cảnh tổ tiên. Nội dung chính của lễ tết nhảy gồm khấn tụng và múa, được tổ chức liên tục suốt ngày. Người Dao múa các bài như: Múa dao, múa chuông, múa chạy cờ, múa rùa… múa trong tết nhảy vào dịp tết âm lịch là các điệu múa nghi lễ phổ biến trong cộng đồng người Dao. nội dung của các bài múa như là sự tái diễn quá trình Bàn Vương luyện binh kiếm để bảo vệ dân làng.

Múa trong tết nhảy là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật nhảy múa, nghệ thuật âm nhạc và nghệ thuật ngôn từ, kể về sự tích dòng tộc, công lao tổ tiên, đến nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy… trong tết nhảy của người dao quần chẹt, chỉ có nam giới múa, kể cả cụ ông và trẻ nhỏ, nữ giới không múa, chỉ ngồi xem và lo chuẩn bị bữa ăn cho những người tham gia múa dùng sau kết thúc các bài múa; còn với người Dao tiền tất cả mọi người đều có thể tham gia múa. Ngoài ra, trong nghi lễ còn một số công đoạn khác như chủ đám thổi tù và gọi đất trời công nhận lễ tết nhảy, thầy cúng dùng mu bàn chân hất mạnh đoản kiếm lên bàn thờ, mổ lợn cúng bàn vương…      

Lễ cấp sắc

Cấp sắc là một tục lệ rất phổ biến lâu đời trong dân tộc Dao và bắt buộc đối với đàn ông người Dao. tất cả những người đàn ông Dao đều phải kinh qua lễ này, thậm chí lúc sống chưa được cấp sắc, sau khi chết con cháu phải làm lễ cấp sắc. Người Dao cho rằng đàn ông được cấp sắc mới có pháp danh, có chức sắc để cúng bái, được tổ tiên công nhận là con cháu, là người am hiểu phong tục tập quán, khi chết mới được đưa ma về với tổ tiên. Bởi vậy, hầu hết đàn ông Dao đều trải qua lễ cấp sắc này và đây là điểm khác biệt so với lễ cấp sắc của một số tộc người khác. Lễ cấp sắc có đặc điểm là mang tính tôn giáo, nhiều cấp bậc và phải chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ, dùng nhiều loại nhạc cụ.

Hàng năm, lễ cấp sắc được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng 1, 2 âm lịch. Tiến trình của một lễ cấp sắc của người Dao tiền và Dao quần chẹt có các nghi thức chính: lễ khai đàn, lễ trình diện của những người thụ lễ, lễ cấp đèn và hạ đèn, lễ đặt pháp danh, lễ giao âm binh, binh mã và gạo nuôi quân, lễ qua cầu, lễ cấp dụng cụ cúng bái, lễ truyền pháp lực, lễ cúng thần mặt trời. Nếu làm cấp sắc từ 7 đèn trở lên thì tiếp tục thực hiện những nghi lễ: Lễ tơ hồng hay còn gọi là lễ cưới lần thứ hai, lễ cúng hồn lúa, lễ thăm thiên đình hoặc lễ sinh lần hai, lễ thăng đèn và lễ cuối cùng là cúng Bàn Vương – lễ chung cho lễ 3 đèn và từ 7 đèn trở lên.      

 Lễ tết nhảy, lễ cúng bàn vương, lễ cấp sắc… tất cả các lễ hội  của dân tộc Dao đan xen vào nhau rất chặt chẽ, phức hợp để phục vụ đắc lực cho đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào Dao và nằm trong hệ thống lễ nghi của hai lễ chính, trọng thể của người Dao: Lễ cấp sắc (lập tĩnh, đám chay, người Dao gọi là lễ chẩu đàng) và lễ tết nhảy (lễ trả ơn Bàn Vương, tiếng dao gọi là nhiàng chầm đao và luyện binh tướng – âm binh để bảo vệ cuộc sống, sinh hoạt của gia đình). Hai lễ chính này huy động tổng hợp các loại hình nghệ thuật như văn, thơ, ca hát, âm nhạc, nhảy múa, mỹ thuật, kiến trúc và diễn xướng, tạo nên một hình thức văn hoá – văn nghệ và tính giáo dục sâu sắc. Đây là những di sản văn hoá phi vật thể rất đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Dao đã tụ cư và sinh sống hàng ngàn đời nay trên quê hương Đất Tổ.

 Lê Công Luận
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close