Xã hội

Chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp 

Chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp 
Nông dân xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh sử dụng cây chống cho bưởi, hạn chế gãy cành, rụng quả khi mưa bão.

PTO – Thiên tai và các hiện tượng thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Hiện nay đã bước vào mùa mưa bão, nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, vì vậy đòi hỏi cần có sự chủ động để ứng phó, bảo vệ sản xuất.

Dự báo năm 2021 trên địa bàn tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng hoàn lưu 1-2 cơn bão và 1 đợt áp thấp nhiệt đới. Vì vậy ngành nông nghiệp và các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, diễn biến mưa bão; tổng hợp tình hình sản xuất nông nghiệp, kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết nhằm giảm tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra. Riêng trong tháng 5, do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu gây mưa dông trên khu vực phía Tây Nam của tỉnh. Trên địa bàn huyện Thanh Thủy đã xảy ra mưa đá và dông lốc khiến 640ha lúa bị đổ.                                                                                                         
Các địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng phó với thiên tai cho người dân, thực hiện chăm sóc cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết để tăng hiệu quả sản xuất. Với diện tích lúa, rau màu bị ảnh hưởng bởi mưa bão mà chưa thể thu hoạch, các hộ dân được khuyến cáo buộc dựng lại các diện tích lúa đổ do mưa bão, thoát nước tiêu úng kịp thời khi xảy ra ngập. Khẩn trương vun cao luống, khơi thông rãnh thoát nước để thuận lợi cho tiêu thoát nước trên những diện tích rau, màu đã trồng. Đồng thời chằng buộc, chống cành, chống cây với cây ăn quả, hạn chế đổ gãy cây, rụng quả khi có gió mạnh.

kinh-te-bpt-2-1621417192
Một số diện tích lúa Chiêm Xuân bị gãy đổ do mưa lớn và dông, nông dân xã Cao Xá, huyện Lâm Thao chủ động thu hoạch khi lúa bắt đầu chín, giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất.

Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Chiêm Xuân có độ chín trên 85% để tránh ảnh hưởng do dông lốc, mưa bão. Diện tích rau màu, cây ăn quả đã đến thời kỳ thu hoạch cũng được khuyến cáo khẩn trương thu hoạch, tránh thiệt hại cuối vụ do thời tiết, sinh vật gây hại gây ra và giải phóng đất. 

Năm 2020, trên địa bàn huyện Hạ Hòa xảy ra 9 đợt mưa lớn diện rộng, bị ảnh hưởng của 2 hoàn lưu bão. Thiên tai khiến trên 700ha lúa, rau màu, cây ăn quả bị thiệt hại; 351ha thủy sản bị tràn ao; trên 6.000 con gia cầm, 70 con gia súc bị chết…  Đối với các diện tích lúa, rau màu còn khả năng phục hồi, huyện đã chỉ đạo các xã, các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp hướng dẫn, thực hiện các biện pháp chăm sóc phục hồi để cây tiếp tục phát triển; đối với diện tích cây trồng, thủy sản không khôi phục được tổ chức dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, ao nuôi để tiếp tục phát triển sản xuất. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2021, các cơn bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng di chuyển mạnh hơn, phức tạp hơn; lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. 

Bà Nguyễn Thị Năm – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để chủ động ứng phó với thiên tai, phòng Nông nghiệp chủ động tham mưu với UBND huyện các nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai; chỉ đạo phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương để giảm thiểu thiệt hại; hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất và các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi sau khi xảy ra thiên tai. Cùng với đó, đề xuất các giải pháp áp dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác cảnh báo, ứng phó và quản lý thiên tai.

Toàn tỉnh có trên 10.500ha nuôi thủy sản, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi thủy sản chú trọng bảo vệ thủy sản, tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra. Thực hiện kiểm tra, gia cố bờ ao, cống cấp, cống thoát nươc để chủ động điều tiết mực nước ao nuôi; chuẩn bị lưới chắn, máy bơm, mô tơ quạt nước… để kịp thời xử lý những sự cố xảy ra. Đối với các cơ sở nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa, chủ động thu hoạch, tiêu thụ đối với cá đã đạt kích cỡ thương phẩm, thực hiện kiểm tra, gia cố khung lồng; trụ neo và dây neo. Đối với vật nuôi trong mùa mưa bão cần tu sửa, chằng chống lại chuồng trại; đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi; tăng cường chăm sóc, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi. 

Trong mùa mưa bão, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng đến sản xuất, vì vậy, người dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và các khuyến cáo của cơ quan chức năng để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguyễn Huế
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close