Xã hội

Về nơi thành lập tổ chức Đảng đầu tiên

PTO – Khi chiến tranh thế giới thứ II sắp bùng nổ, Trung ương chủ trương đưa một số cán bộ ở thành thị đang hoạt động công khai rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Nhận thấy Phú Thọ có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, lại được quần chúng tích cực hưởng ứng nên Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử nhiều cán bộ về tỉnh gây dựng cơ sở. Đến cuối năm 1939, Chi bộ Cát Trù – Thạch Đê, còn gọi là Chi bộ Đọi Đèn (nay là Đảng bộ xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) được thành lập. Đây là 1 trong 4 chi bộ hạt giống đầu tiên, tiền đề để thành lập Đảng bộ tỉnh Phú Thọ.

chuatro2.jpg
Chùa Trò trở thành nơi sinh hoạt giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ
Ngược dòng lịch sử trở về thời điểm năm 1939, khi đó đồng chí Nguyễn Văn Trạch (tức Hồng Quang – là cán bộ đoàn Thanh niên dân chủ và là con rể ông Ký Thọ người làng Cát Trù) đã đưa các đồng chí Đào Duy Kỳ, Trần Hải Kế… lên Cát Trù nghiên cứu tình hình để gây dựng những “hạt giống” đảng viên đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Nhận thấy nơi đây vốn có truyền thống cách mạng từ phong trào Cần Vương (với những địa danh như núi Đọi Đèn, Rừng Già và tên tuổi Đề Kiều (tướng lĩnh thời Cần Vương), có mật độ giao thương, trao đổi hàng hóa tấp nập nên có nhiều điều kiện để tuyên truyền, vận động những người dân ưu tú tham gia hoạt động cách mạng.
Tháng 9/1939, đồng chí Lương Khánh Thiện – Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy và đồng chí Trần Quý Kiên – Ủy viên Bắc Kỳ đã về Cát Trù – Thạch Đê hoạt động. Sau đó, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Xứ ủy Bắc Kỳ, đến cuối năm 1939, trên cơ sở một số đảng viên là người địa phương mới được kết nạp, cùng với các cán bộ Xứ uỷ và cán bộ các tỉnh khác về hoạt động, các đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ đã thành lập 4 chi bộ Đảng ở Phú Thọ, đó là các chi bộ: Cát Trù – Thạch Đê, còn gọi là chi bộ Đọi Đèn (Cẩm Khê), Thái Ninh (Thanh Ba), Phú Hộ (Phù Ninh) và Nhà máy Bột giấy Việt Trì. Kể từ đây, các tổ chức Đảng của tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh.
5.jpg
Ông Hoàng Huy Quyền kể cho thế hệ trẻ về ý nghĩa lịch sử của Đảng bộ xã Cát Trù
Chùa Trò thuộc xã Cát Trù (nay là xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê), ngôi chùa nằm dưới chân dãy núi Đọi Đèn, gắn liền với quá trình gây dựng, thành lập chi bộ Đọi Đèn, cũng là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất (tháng 1/1947). Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Chùa Trò đã được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004. Ngôi chùa hiện lưu giữ nhiều bảo vật gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc. Chùa Trò nay đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng Việt Nam.
Trong những ngày chào mừng 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, chúng tôi trở về Chùa Trò và được gặp, trò chuyện cùng lão thành cách mạng Hoàng Huy Quyền (86 tuổi và có 60 năm tuổi Đảng).
Sinh ra và lớn lên tại xã Cát Trù, bản thân cha ông lại là đảng viên của Chi bộ Đọi Đèn nên ngay từ nhỏ ông đã thấm nhuần những lý tưởng cách mạng của Đảng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bằng đôi mắt sáng, trí nhớ tuyệt và giọng nói hào sảng, ông đã kể tôi nghe chi tiết về những năm tháng hào hùng đó.
Ông Quyền kể rằng: Sở dĩ lấy tên “Đọi Đèn” bởi nơi đây có ngọn núi Đọi Đèn thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Trên ngọn núi có ngọn đèn ngày đêm cháy sáng. Đảng ta lấy bí danh là Đọi Đèn, nó có ý nghĩa như đốm lửa soi đường. Sau khi có Chi bộ Đọi Đèn thì phong trào cách mạng, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của nhân dân ngày càng được đẩy lên cao. Đảng ta đã lãnh đạo tiến hành các cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế và quân sự giành nhiều thắng lợi. Chúng ta phải khẳng định rằng không có Đảng thì không thực hiện được các cuộc đấu tranh, các phong trào như vậy và nhân dân ta không có ngày hôm nay.
xaCattru.jpg
Xã Cát Trù đang ngày càng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên
Trải qua những năm tháng lịch sử, Đảng bộ xã Cát Trù ngày càng phát triển, đến cuối năm 2019, Đảng bộ xã Cát Trù có 197 đảng viên sinh hoạt tại 11 chi bộ. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào thi đua phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực, hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Cát Trù đạt 38 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%.
Thực hiện theo sự chỉ đạo của tỉnh, tháng 1/2020, các xã Cát Trù, Tình Cương, Hiền Đa đã sáp nhập thành xã Hùng Việt. Phát huy truyền thống quê hương, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Hùng Việt tiếp tục phấn đấu làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ; thường xuyên đề ra các chủ trương, nghị quyết sát thực với địa phương; động viên nhân dân, đặc biệt là đội ngũ đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, nhất là các phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chú trọng xây dựng Đảng, phát triển đội ngũ đảng viên ngày càng ‘hồng và chuyên”.
Ông Hoàng Mạnh Tiếp – Bí thư Đảng ủy xã Hùng Việt cho biết: Sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, chúng tôi sớm tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, phấn đấu đưa Đảng bộ xã Hùng Việt xứng với truyền thống cách mạng của quê hương.
Những trang sử vẻ vang của Ðảng bộ và nhân dân Cát Trù, nay là xã Hùng Việt luôn ghi dấu sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cùng tinh thần, ý chí đoàn kết một lòng của nhân dân. Sức mạnh đó luôn được tiếp nối qua các thế hệ, để cùng phấn đấu xây dựng quê hương ngày phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Vũ Tuân

Nguồn bài viết: Phú Thọ Portal

Back to top button
Close