Xã hội

Sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai cực đoan, bất thường

Sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai cực đoan, bất thường
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

PTO – Ngày 26/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020. 

Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ Trưởng Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.
 
Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các huyện, thành, thị tại điểm cầu 11/13 huyện, thành, thị có đê (trừ huyện Yên Lập và Tân Sơn không có đê).

Chỉ tính riêng trong năm 2019, cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3, 8 cơn bão và 4 trận áp thấp nhiệt đới; 222 trận dông lốc, sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn; 13 trận động đất…gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra nhiều đợt thiên tai như mưa đá, dông lốc, hạn mặn gây ảnh hưởng nặng đến sản xuất và tính mạng người dân. 

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm tình hình thiên tai sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường, rất dễ xảy ra mưa lớn trên diện rộng, kéo dài. Do đó, các địa phương, đặc biệt là các huyện có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt lưu ý về công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

img20200510091447-1593161046

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm 2020 có khoảng 11 – 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, bão tập trung nhiều trong những tháng nửa cuối năm 2020, từ đó sẽ gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập. 

Hệ thống đê điều trên cả nước có quy mô lớn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai lụt, bão, với tổng số 9.078 km đê. 

Trong đó, 2.726,4 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; 975,8km kè và 1.524 cống qua đê; 31.191 km bờ bao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tuy nhiên, nhiều tuyến đê đã xuống cấp, thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ. Vì vậy, các địa phương có đê cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.

Tại tỉnh Phú Thọ có sông Thao, sông Lô, sông Đà và các sông nhỏ, ngòi lớn khác. Hệ thống đê điều có 508,7km đê các loại (trong đó có 53km đê từ cấp III trở lên). Công trình hồ đập hiện có 365 công trình (chiều cao đập từ 5m trở lên hoặc dung tích hồ trên 50.000m3); 283 trạm bơm. Thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, thiệt hại do thiên tai năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 đợt thiên tai do dông, lốc, mưa đá, sét đánh, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 112 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với những năm trước (năm 2019 tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 16 tỷ đồng).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó với thiên tai ngay từ đầu mùa mưa bão. 

Trong đó, xử lý khắc phục sự cố các công trình thiên tai như xác định vị trí xung yếu để xây dựng phương án hộ đê thích hợp; thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và xử lý các hành vi vi phạm về Luật Đê điều, Luật PCTT; ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo về công tác PCTT, chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất; thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Đê kiểu mẫu” của Tổng Cục thủy lợi…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai cực đoan, bất thường. Trong đó, cần khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện; tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về PCTT&TKCN, tập trung thực hiện công tác phòng ngừa thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với thực tiễn tại địa phương; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý cấp bách các công trình PCTT do huyện quản lý; xây dựng phòng họp trực tuyến kết nối với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh và cấp xã. Đề nghị, trên cơ sở đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, các trọng điểm xung yếu đã xác định, các địa phương cần khẩn trương rà soát, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, hộ đê đảm bảo sát thực tế; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án bảo vệ trọng điểm và hộ đê được phê duyệt. Hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn, nắm chắc quân số, trang thiết bị hiện có và khả năng cơ động để điều động kịp thời, hiệu quả. Tổ chức tuần tra canh gác trong mùa lũ, kiểm tra, báo cáo và xử lý sự cố đê điều, hộ đê. Tăng cường công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Đê kiểu mẫu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, từ đó tạo hạt nhân để các khu vực khác học tập làm theo.

Quân Lâm
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close