Xã hội

Quy định mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và mức chi hỗ trợ nạn nhân của hành vi mua bán người: Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ

Quy định mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và mức chi hỗ trợ nạn nhân của hành vi mua bán người: Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ
Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh trao tiền ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ cho gia đình ông Đinh Văn Thiết Phúc, khu Còn 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn để chi phí tàu, xe đón con gái là nạn nhân mua bán người trở về với gia đình.

PTO – Tại kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết quy định mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân của hành vi mua bán người (MBN) trên địa bàn tỉnh. Nội dung Tờ trình đã dành được sự quan tâm, đồng tình của những người trực tiếp thực thi công vụ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm MBN và là căn cứ đầy đủ để giúp đỡ nạn nhân MBN. 

Nạn nhân mua bán người đều có hoàn cảnh khó khăn

Theo Công an tỉnh, từ năm 2016 đến nay lực lượng chức năng đã khởi tố 5 vụ/8 bị can liên quan đến tội phạm MBN và có 7 người là nạn nhân của các vụ MBN; có 1 vụ/1 bị can không khởi tố do hết thời hiệu. Nạn nhân trong các vụ án là phụ nữ, trẻ em tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Trong số các vụ việc đấu tranh, làm rõ có 4 nạn nhân ở huyện Tân Sơn, còn lại là ở huyện Cẩm Khê, Thanh Ba và các tỉnh Đồng Nai, Long An.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, Phú Thọ không phải “điểm nóng” về tình trạng MBN, tuy nhiên do nhu cầu việc làm nên mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á tìm việc làm. Trong số này không ít trường hợp bị các đối tượng MBN lừa bán vào các ổ mại dâm, thậm chí có trường hợp phải bỏ mạng nơi đất khách, quê người. Các cơ quan chức năng chỉ phát hiện, khởi tố được khi nạn nhân trở về tố cáo lên ơ quan chức năng. Trung tá Đỗ Minh Thành – Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm xã hội và MBN, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh nhận định: “Nạn nhân của tội phạm MBN chủ yếu ở nông thôn, không có việc làm, trình độ học vấn thấp. Lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, các đối tượng MBN làm quen, vờ giúp xin việc làm để lừa bán ra nước ngoài”. 

Cũng theo Trung tá Thành, nạn nhân của tội phạm mua bán người đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Cụ thể, tháng 3/2020, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ tiếp nhận thông tin do Công an tỉnh Quảng Nam và Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam cung cấp về việc có một người phụ nữ hộ khẩu ở tỉnh Phú Thọ nghi bị bán sang Trung Quốc từ năm 1990. Người này hiện đang bị cách ly tại Trung tâm Y tế thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh, điều tra về nhân thân của người phụ nữ trên là Hà Thị Chiến, sinh năm 1978, ở khu Còn 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn bị bán sang Trung Quốc từ năm 1990, khi đó mới 10 tuổi. Lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát nên đã trốn về Việt Nam, vì không biết đường nên bắt nhầm xe vào tỉnh Quảng Nam. Do chưa có quy định cụ thể về mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và gia đình chị Chiến nên Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã báo cáo Ban Giám đốc, vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị góp tiền ủng hộ gia đình chị Chiến để có kinh phí vào Quảng Nam đưa chị Chiến về. 

Phù hợp với pháp luật hiện hành 

Tìm hiểu thực tế cho thấy, việc quy định mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và mức chi hỗ trợ nạn nhân của hành vi mua bán người là rất cần thiết. Trên cơ sở Thông tư số 84/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và nội dung, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó tại khoản 3, Điều 7 quy định: “Căn cứ các mức chi quy định tại thông tư này, tùy điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp”. 

Theo đó, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân, chi hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nạn nhân là 150.000 đồng/người/ngày. Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả tiền ăn trong những ngày đi đường, mức hỗ trợ là 70.000/người/ngày. Nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân được cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt thường ngày và các chi phí khác theo Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP theo hóa đơn thực tế.

Cụ thể hóa quy định mức chi, ông Hoàng Mạnh Hùng- Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Sơn chia sẻ: “Việc UBND tỉnh quy định mức chi cho công tác hỗ trợ cho nạn nhân và hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân là cần thiết và phù hợp quy định của pháp luật. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho lực lượng chức năng và địa phương chủ động trong việc giúp đỡ nạn nhân MBN trở về với gia đình”.

Đồng quan điểm, Trung tá Đỗ Minh Thành – Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm xã hội và MBN, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh nhận xét: “Việc quy định mức chi rõ ràng, cụ thể hơn sẽ giúp cho lực lượng Công an chủ động trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm MBN. Nhất là khi tiếp nhận được thông tin về nạn nhân MBN, đơn vị liên quan sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ mà không phải lo về kinh phí”. 

Trước tình trạng tội phạm MBN còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, việc quy định mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và mức cho hỗ trợ nạn nhân của hành vi mua bán người là rất cần thiết. Qua đó, giúp cho quá trình hỗ trợ nạn nhân được toàn diện, liền mạch và hiệu quả, đồng thời là bước cụ thể hóa các quy định của pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. 

Huy Thắng
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close