Xã hội

Về làng đồ thờ trước ngày “tiễn Táo về trời”

Về làng đồ thờ trước ngày “tiễn Táo về trời”
Chị Hiệp tất bật với công việc làm “lễ phục Táo quân” để  kịp chuẩn bị cho những chuyến hàng cuối năm.

PTO – Thời điểm giáp Tết, các hộ các hộ làm nghề sản xuất và kinh doanh vàng mã tại làng nghề sản xuất đồ thờ cúng Hiền Đa (nay thuộc thôn Hiền Đa, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê), lại tất bật cho ra lò những mẻ hàng phục vụ thị trường. 

Xuất phát từ tục thờ cúng Táo quân (hay còn gọi Táo quân hay Thổ Công) dịp Tết, hàng năm vào mỗi dịp 23 tháng Chạp, các gia đình tấp bập sắm sửa bộ lễ để “tiễn” Ông táo. Bên cạnh cá chép thì bộ “lễ phục” (tên gọi khác là “cỗ táo quân”) là một trong những lễ vật không thể thiếu trong bộ lễ tiễn táo về trời của mỗi gia đình. Một “cỗ táo quân” gồm: 3 bộ quần áo, mũ; 3 đôi hài; 3 con cá chép và 1 bộ đế làm bằng giấy, được cắt dán và trang trí giấy màu sặc sỡ. 

1-bo-tao-quan-anh-cut-1578554215
Một “cỗ táo quân” gồm: 3 bộ quần áo, mũ; 3 đôi hài; 3 con cá chép và 1 bộ đế làm bằng giấy, được cắt dán và trang trí giấy màu sặc sỡ.

Thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp – Một trong những hộ sản xuất chính trong thôn, chúng tôi được biết từ khoảng một tháng trở lại đây, khách đến mua hàng tấp nập, gia đình chị phải thuê thêm hai lao động phụ giúp để đảm bảo công việc. Đang tất bật với những chuyến hàng giao buôn cho các chợ, chị Liên chia sẻ: Gia đình làm nghề này đã sang đời thứ 4, thông thường giao buôn cho các chợ địa phương và các chợ lân cận, đôi khi cũng có những đơn hàng từ các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái đến đặt mua. Đặc biệt, dịp Tết ông Công ông Táo số lượng đơn hàng lúc nào cũng gấp nhiều lần ngày thường. Để chuẩn bị kịp những chuyến hàng cuối năm, từ khoảng tháng 11 âm lịch, gia đình tôi đã bắt tay vào công việc sản xuất áo quần ông Công, ông Táo phục vụ ngày 23 tháng Chạp.

Là nghề truyền thống, đời nối đời, ngay từ bé, người dân trong thôn đã thạo việc đan khung, dán giấy, làm đồ thờ. Để hoàn chỉnh một mặt hàng đòi hỏi người thợ phải trải qua quá trình phức tạp, cầu kỳ, từ khâu chuẩn bị khung cốt, cho đến gia công, phủ giấy, quét hồ, trang trí cho các sản phẩm, tất cả các công đoạn đều đòi hỏi người thợ cần kết hợp sự tỷ mỉ, đôi bàn tay khéo léo và sức sáng tạo. Bởi vậy, các sản phẩm được sản xuất tại làng nghề đồ thờ Hiền Đa không chỉ phong phú về chủng loại mà còn đa dạng cả kích cỡ, mẫu mã, từ thoi vàng cho đến quần, áo giấy, ngựa xe, nhà cửa… mỗi loại đều có những phụ phẩm đi kèm, vì thế giá thành cũng không cố định. Riêng một cỗ Táo quân có giá trung bình từ 10-20 nghìn đồng. 

dsc7727-1578554240
Việc sản xuất được duy trì quanh năm, thông thường các hộ làm nghề đều tranh thủ thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập.

Thôn Hiền Đa xưa nổi tiếng với 2 nghề truyền thống là nghề làm bún bánh và đồ thờ cúng. Làng nghề sản xuất đồ thờ cúng Hiền Đa được UBND tỉnh công nhận từ năm 2011, việc sản xuất được duy trì quanh năm, thông thường các hộ đều tranh thủ thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, nên hầu hết các hộ trong thôn đều tham gia, tuy nhiên chỉ cóvài hộ sản xuất với số lượng lớn. Mỗi năm làng nghề sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm, chủ yếu phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong năm, có 2 thời điểm nhu cầu tiêu thụ vàng mã tăng cao là dịp tháng Bảy âm lịch và dịp 23 tháng Chạp.

Nghề sản xuất đồ thờ cúng, làm hàng mã đã tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân trong thôn. Trong xu thế hiện đại hóa, những hủ tục mê tín dị đoan dần bị bài trừ, thay thế, song dưới góc độ nghề truyền thống, làng nghề sản xuất đồ thờ cúng ở Hiền Đa góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh, gắn liền với phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt và tục thờ bếp, cúng Táo quân ngày Tết.

Thùy Phương
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close