Xã hội

Khuyết tật, không khuyết hạnh phúc


Lãnh đạo Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh trao quà cho Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh.

(PTO) – Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật (NKT); triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách bảo trợ xã hội giúp NKT ổn định đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.

Những “cây xương rồng” nở hoa

Gần 20 năm qua, anh Nguyễn Hữu Đạt, khu 1, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao đều ngồi trước hiên nhà để sửa chữa các vật dụng gia đình của bà con trong khu. Chịu di chứng chất độc màu da cam, ngay từ khi sinh ra, anh đã không có khả năng đi lại. Cuộc đời anh chỉ thực sự thay đổi khi anh biết và tham gia lớp học nghề sửa chữa điện lạnh dành cho NKT. Anh Đạt chia sẻ: Sau khi học nghề về, tôi chỉ sửa đồ điện trong gia đình, sau này qua giới thiệu, được nhiều người biết đến, tôi đã có thêm nhiều việc làm, từ đó có nguồn thu nhập ổn định.

Lớp học không chỉ giúp anh thay đổi cuộc sống mà còn giúp anh được gặp gỡ người phụ nữ của đời mình, niềm vui lớn nhất của anh chị là hai người con một gái, một trai lành lặn, khỏe mạnh. Với sự cần cù chăm chỉ, nỗ lực vượt qua những ngày tháng khó khăn, sóng gió, công việc của anh cũng ngày càng thuận lợi, cùng vợ nuôi các con khôn lớn. Bà con trong khu luôn nhắc đến anh với tấm lòng yêu mến và cả khâm phục về một nghị lực phi thường.

Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, anh Nguyễn Mạnh Hùng, xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê bị khuyết tật ở chân. Hiểu rõ sức khỏe của bản thân không thể làm được công việc nặng, anh đã tìm hiểu, học hỏi trên mạng xã hội  để làm sáo và các dụng cụ âm nhạc từ tre, nứa, trúc. Lúc đầu, anh chủ yếu làm các nhạc cụ bằng phương pháp thủ công, sau này được sự hỗ trợ của gia đình, người thân và chính quyền địa phương, anh đã mua máy móc, mở xưởng sản xuất. Hiện nay, sản phẩm do anh sản xuất được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành, đảm bảo việc làm ổn định cho hai vợ chồng với mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Anh Hùng chia sẻ: Tôi chọn nghề và nghề này cũng chọn tôi, việc sản xuất các nhạc cụ dân tộc đã thay đổi cuộc đời mình, đem lại niềm vui, thu nhập cho bản thân và gia đình. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì các sản phẩm nhạc cụ chế tác đã được mọi người đón nhận.

Một “cây xương rồng” nở hoa trong khó khăn ở Phú Thọ phải kể đến anh Nguyễn Quốc Toàn, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ. Anh là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại NQT – đây là Công ty chuyên về máy tính, thiết bị văn phòng đầu tiên tại thị xã Phú Thọ. Điều tạo nên danh tiếng cùng uy tín của Công ty không chỉ do trình độ, trách nhiệm làm việc của tất cả mọi người mà còn bởi đây là Công ty được gây dựng từ một người chỉ có thể “cử động duy nhất bàn tay trái”. Được thành lập từ năm 2007, trên chiếc xe lăn do bạn bè đẩy đi, anh đã đi khắp thị xã để lắp đặt máy, cài đặt chương trình và tư vấn cho khách hàng. Từ đây, nhiều hợp đồng lắp đặt máy, bảo trì mạng… đã được ký kết với các doanh nghiệp. Hiện Công ty của anh cũng đang tạo việc làm cho 3 người bị khuyết tật vận động, với mức thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. 

Đó chỉ là những trường hợp trong số rất nhiều tấm gương tiêu biểu của NKT đã vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định mình. Họ là những người khuyết tật với cơ thể không lành lặn nhưng có ý chí, nghị lực vươn lên như những cây xương rồng vẫn nở hoa trong gian khó. 


Quỹ “Tết đến mọi nhà” của Báo Phú Thọ đồng hành cùng các nhà tài trợ trao quà cho người khiếm thị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh.

Đồng hành, chăm lo cho người khuyết tật

Để triển khai thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, trợ giúp, tạo điều kiện tốt nhất cho NKT hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống, hàng năm, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương trên 140 tỉ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/10/2013 về Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm trợ cấp hàng tháng, mua thẻ bảo hiểm y tế cho NKT). Các hoạt động hỗ trợ NKT xây dựng nhà ở, giáo dục, tạo việc làm, cải thiện đời sống, trợ cấp , khám, chữa bệnh miễn phí, tặng công cụ, dụng cụ hỗ trợ… được các cấp chính quyền triển khai, trong đó có sự chung tay của các tổ chức thiện nguyện, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia. 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 35 nghìn NKT; trong đó 14.700 NKT là nữ; 2.590 NKT là đồng bào dân tộc thiểu số; trên 5.000 NKT đến độ tuổi đi học nhưng không biết chữ; trên 10.000 NKT thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Hơn 24.000 NKT nặng và đặc biệt nặng và hàng trăm NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội.

Bà Hoàng Thị Chí Thành – Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi tỉnh đã trao tặng hơn 13.000 suất quà Tết cho các đối tượng; hỗ trợ, trao tặng hơn 2.100 xe lăn, gần 600 xe đạp; chữa bệnh miễn phí cho trên 1.200 trường hợp; mổ mắt, thay thủy tinh thể cho gần 200 người; phẫu thuật phục hồi chức năng vận động cho trên 250 người… Công tác hỗ trợ sinh kế, động viên, khuyến khích NKT tiêu biểu được quan tâm, tổ chức, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng xã hội. Đồng hành cùng các hoạt động của Hội, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đã có trên 2.000 lượt tập thể, cá nhân ủng hộ với tổng giá trị trên 34 tỉ đồng. 

Công tác hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT được các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm giúp NKT tự vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Các lớp đào tạo nghề cho NKT được tổ chức trên cơ sở khảo sát nhu cầu việc làm xã hội và sức khỏe của NKT đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đã tạo cơ hội cho NKT có việc làm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ sở đào tạo, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức Ngày hội việc làm dành cho NKT, trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Ông Hoàng Xuân Đoài – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện Kế hoạch 505/KH-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh về Chương trình trợ giúp NKT tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp xã hội cho các đối tượng theo quy định của Chính phủ; quan tâm hộ nghèo có NKT; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và phục vụ tốt các đối tượng đang nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT, phong trào giúp đỡ NKT đến từng địa phương, giúp NKT tự tin hòa nhập cộng đồng; khuyến khích hình thành cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động NKT. Quan tâm về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trường học và công tác dạy nghề để NKT tiếp cận, tham gia và giúp họ vươn lên trong cuộc sống. 

Tú Anh
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close