Giáo dục

Kết quả tích cực từ đổi mới giáo dục phổ thông

df-1612258305
87/90 lớp học tiểu học ở huyện Cẩm Khê được trang bị đầy đủ tivi kết nối Internet, máy chiếu…

PTO – Kết thúc một học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở khối lớp 1, giáo viên và học sinh các trường tiểu học (TH) trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã nhanh chóng bắt nhịp chương trình. Những khó khăn ban đầu trong quá trình triển khai của cả thầy và trò đã được tháo gỡ kịp thời tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhanh chóng bắt nhịp

Tại trường tiểu học Sông Thao, thị trấn Cẩm Khê, sau kiểm tra, đánh giá học sinh lớp 1 trong học kỳ I, mặt bằng chất lượng học sinh năm nay của nhà trường được nâng lên so với những năm trước, 100% học sinh lớp 1 đều hoàn thành và hoàn thành tốt các yêu cầu của môn Tiếng Việt, 97% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt yêu cầu của môn Toán.
 
Chị Trần Thị Minh Nguyệt, giáo viên trường TH Sông Thao, đã có kinh nghiệm hơn 10 năm dạy lớp 1 chia sẻ: “Thời gian đầu triển khai chương trình sách giáo khoa (SGK) mới, giáo viên có nhiều bỡ ngỡ khi vừa phải nghiên cứu, vừa phải lên kế hoạch giảng dạy. Cha mẹ học sinh cũng có những băn khoăn, song nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, giáo viên lập nhóm cha mẹ trên mạng zalo để lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc, đồng thời hướng dẫn cha mẹ học sinh đồng hành với con trong quá trình học tập theo chương trình mới. Nội dung các bài học trong SGK mới đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa sinh động giúp các em tiếp thu nhanh, hiểu rõ nghĩa. Bên cạnh đó, mỗi bài học đều có kèm sách điện tử nên giáo viên có thể truy cập dễ dàng để triển khai”. 
Là trường khó khăn của huyện, nhưng trường TH Sơn Tình, xã Sơn Tình, kết quả ban đầu cho thấy 97% học sinh lớp 1 đã biết đọc, viết và làm toán. Để có được kết quả này, nhà trường đã lên lộ trình dạy và học cụ thể; tổ chức giới thiệu chương trình giáo dục mới tới phụ huynh học sinh; rà soát thiết bị, cơ sở vật chất dạy học, tận dụng những đồ dùng còn sử dụng được và thiết bị mới cần phải trang bị như tivi, máy chiếu… đồng thời kêu gọi từ xã hội hóa để đầu tư. Hết học kì 1, các trang thiết bị dạy và học đã được đầu tư đầy đủ. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mặc dù nằm gần thị trấn, nhưng điều kiện của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, kinh phí của nhà trường còn hạn hẹp, chi phí đầu tư lại lớn nên ban giám hiệu đã họp bàn và mời các phụ huynh đến trực tiếp dự giờ học có sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy để thấy việc cần thiết phải sử dụng thiết bị trong môn học. Từ cách làm này, các phụ huynh đã bằng lòng đồng ý đóng góp”. 

Kết quả tích cực từ đổi mới giáo dục phổ thông
Giờ luyện viết của cô và học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Sông Thao, thị trấn Cẩm Khê.

Bảo đảm các điều kiện để triển khai chương trình

Năm học 2020-201, toàn huyện có 31 trường TH, trong đó có 90 lớp 1 với 2.967 học sinh, 90 giáo viên. Để bảo đảm chương trình mới đạt hiệu quả, ngay khi có kế hoạch, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thành lập ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra việc triển khai tại các trường, thành lập tổ chuyên môn hỗ trợ kịp thời giáo viên trong trình quá giảng dạy; tổ chức các buổi bồi dưỡng, mời các chuyên gia, Tổng chủ biên sách đến tập huấn như: Tổng chủ biên bộ sách Cánh Diều Đặng Kim Nga đến dự giờ, khảo sát và chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên trong giảng dạy bộ sách mới… Theo khảo sát của phòng GD&ĐT thì tại thời điểm cuối học kỳ I trên toàn huyện, có trên 90% học sinh thực hiện thành thạo các yêu cầu đánh giá môn Toán; trên 92% học sinh ghi nhớ và đọc đúng được các âm, vần, tiếng, không có học sinh nào mù âm, mù vần; 87/90 lớp học được trang bị đầy đủ tivi kết nối Internet, máy chiếu phục vụ dạy học. 

gg-1612258345
Giáo viên và học sinh các trường tiểu học trên địa bàn huyện đã nhanh chóng bắt nhịp chương trình.

Ông Trần Văn Trà – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Kết quả giáo dục cuối kỳ 1 cho thấy việc triển khai chương trình giáo dục đổi mới lớp 1 đến thời điểm hiện tại đã đảm bảo và đạt hiệu quả, chất lượng học sinh ổn định và tăng hơn so với năm học trước. Chương trình mới đã giao quyền chủ động cho giáo viên và nhà trường điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp, học sinh không quá nặng nề với sách vở, kiến thức khô khan… Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho thiết bị dạy học còn ít, chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa nên vẫn chưa đầy đủ; kỹ năng viết và tư thế ngồi học của nhiều học sinh còn chưa đúng; đây cũng là năm đầu tiên nên nhiều giáo viên chưa có kinh nghiệm…”

Để tiếp tục triển khai chương trình trong giai đoạn tới, phòng GD&ĐT sẽ rà soát, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp để chuẩn bị đủ các điều kiện triển khai thực hiện theo lộ trình, đặc biệt là công tác lựa chọn sách giáo khoa, bồi dưỡng đội ngũ và bổ sung thiết bị dạy học. 

Quốc An
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close