Xã hội

Đề án 1956: 10 năm nhìn lại

Đề án 1956: 10 năm nhìn lại
Trung tâm GDNN – GDTX huyện Đoan Hùng phối hợp với các trường Cao đẳng mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo phi nông nghiệp cho học sinh như: Tin học văn phòng, điện dân dụng, máy lạnh…
– Học sinh lớp Trung cấp nghề Tin học thực hành trên máy tính.

PTO – Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành đặc biệt quan tâm, chú trọng, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo ở các địa phương.

Kỳ I: “Đưa nghề” về nông thôn

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ – TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; sau khi khảo sát, đánh giá thực trạng về lao động, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 24/6/2011 và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2535/QĐ-UBND, ngày 5/8/2011 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020”.

Đề án hướng đến trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn (LĐNT) sau học nghề có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn cấp xã có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, kiến thức quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Theo đó, Đề án sẽ được tỉnh triển khai thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2010 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và truyền nghề đạt 70%, trong đó qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%. 

Trong giai đoạn 2010 – 2012, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho 9 cơ sở dạy nghề, gồm Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Phú Thọ, Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Phú Thọ và 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện. Đến nay, toàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang đào tạo đa dạng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ với 234 ngành nghề ở 3 cấp cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Cơ sở vật chất của các cơ sở GDNN được đầu tư, đáp ứng quy mô đào tạo hàng năm cho khoảng 35 – 45 nghìn người. 

123-1606093212

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho các cơ sở GDNN, các cấp, ngành còn triển khai dạy nghề nông nghiệp thông qua các mô hình điểm, tăng tính hiệu quả. Từ năm 2010 đến 2013, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 41 mô hình thí điểm tại một số địa phương, làng nghề. Ở các xã thí điểm đã hình thành mô hình sản xuất mới, trong đó những lao động đã qua đào tạo nghề là lực lượng nòng cốt. Đặc biệt, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển KT – XH ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Xuất phát từ yêu cầu của Đề án là đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đáp ứng nhu cầu của người học, sự phát triển KT – XH của địa phương; một mặt, chương trình dạy nghề được các Trung tâm đào tạo thiết kế hợp lý, chú trọng thực hành, phù hợp để người học dễ dàng tiếp cận với các khóa học nghề, tùy theo điều kiện về thời gian và trình độ của mình; mặt khác các địa phương đã tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Công tác điều tra được thực hiện tới từng gia đình, trên cơ sở nhu cầu nghề nghiệp thực tiễn của người dân nông thôn. 

Ông Nguyễn Minh Mạch – Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh Bưởi xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng cho biết: “Nếu như trước đây người dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống hoặc chỉ qua các lớp tập huấn ngắn ngày thì nay qua Đề án 1956, nông dân đã được học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi thông qua các lớp đào tạo nghề sơ cấp 3 tháng được tổ chức tại địa phương, giúp người dân dễ dàng tiếp cận những kỹ thuật mới, góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng”.

Với lợi thế phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, triển khai thực hiện Đề án 1956, huyện Lâm Thao chú trọng mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, canh tác lúa, rau để hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn và trồng rau an toàn. Ông Nguyễn Văn Chúc, người dân khu 11, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao chia sẻ: Tham gia các lớp học về trồng, chế biến rau an toàn tôi được trang bị thêm những kỹ thuật mới để canh tác trên diện tích gần 1 mẫu đất rau với sản lượng cao, chất lượng đảm bảo, ổn định, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Cùng với gia đình tôi, nhiều hộ dân trong xã cũng được tham gia các lớp đào tạo nghề được tổ chức ở địa phương, bổ sung, cập nhật thêm những kiến thức mới, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước. 

34-1606093227

Với việc đưa ra mục tiêu cụ thể và triển khai đồng bộ từ tỉnh, địa phương, cơ sở, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt gần 70%, trong đó có chứng chỉ bằng cấp đạt 27,5%, cơ bản đảm bảo mục tiêu Đề án đề ra. Bà Phan Thị Thanh Huyền – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội khẳng định: Việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả quan trọng. Từ chỗ phải chủ động tìm kiếm các lớp học nghề thì nay người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cá nhân, xã hội. Việc triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và đội ngũ cán bộ các cấp về vai trò định hướng, đào tạo nghề nghiệp trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động khu vực nông thôn; công tác đào tạo nghề cho LĐNT được phân cấp trực tiếp về các huyện, thị, thành đã tạo điều kiện cho cơ sở chủ động trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, phù hợp với nhu cầu của người dân cũng như điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

box-1606093360

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai và thực hiện Đề án 1956 còn một số khó khăn, hạn chế như: Các cơ sở GDNN (một số cơ sở giáo dục chuyên nghiệp chuyển sang) còn lúng túng trong việc chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành; cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; mất cân đối trong đội ngũ giáo viên đào tạo nghề, tỷ lệ chưa đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn cao; chưa có sự liên kết chặt chẽ, sâu sắc giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty có nhu cầu sử dụng lao động… Cùng với đó là nhận thức, quan niệm của người dân một số địa phương chưa thực sự hiểu đúng về công tác đào tạo nghề; cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý; tỷ lệ LĐNT tham gia học nghề đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đào tạo nghề chưa thực sự gắn với việc xây dựng các vùng chuyên canh, chuyên nuôi tập trung, làng nghề, thương hiệu, hình thành các cụm sơ chế sản phẩm nông nghiệp của địa phương; nguồn kinh phí dành cho công tác ĐTN, GQVL còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng…Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương cũng đã chủ động, có những cách làm hay, sáng tạo để Đề án thực sự đi vào cuộc sống góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và cơ bản tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2020 có gần 70% lao động qua đào tạo nghề và truyền nghề.

Nhóm PV Chính trị – Xã hội 
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close