Giáo dục

Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài

 

Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài
Giờ thực hành môn Hóa học của lớp 10A10 Trường THPT Việt Trì.

PTO – Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Phát triển nguồn nhân lực được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong bốn khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược, tạo cơ sở chắc chắn cho sự phát triển bền vững, những năm qua, ngành Giáo dục Đất Tổ đã tập trung huy động các nguồn lực, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong thời kỳ mới…

Xác định tầm quan trọng đặc biệt của việc đổi mới hoạt động GD&ĐT, xây dựng nền tảng vững chắc cho khâu đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ Sở GD&ĐT đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới GD&ĐT tới toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành; trong đó đặc biệt tập trung đổi mới trên các phương diện như sau:

Trước hết, nhận thức về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng là “đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết”, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã đẩy mạnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở GD&ĐT: Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đơn vị; giao quyền chủ động cho các trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh. 

Thứ hai, thực hiện đổi mới về phương pháp dạy học; phương pháp kiểm tra, đánh giá trong giáo dục mầm non, phổ thông. Đối với giáo dục mầm non, sau 5 năm triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đến nay 100% các huyện, thành, thị đã thực hiện tổng kết chuyên đề và đã thu hút được các tổ chức xã hội cũng như rất nhiều phụ huynh tham gia. Đối với giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, cách thức tổ chức lớp học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương; gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Đối với giáo dục trung học: Các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên đã chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, đồng thời lựa chọn các hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Chỉ đạo các trường xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, dân chủ (cơ sở vật chất, cảnh quan, môi trường sư phạm và các quan hệ ứng xử trong nhà trường đảm bảo an toàn, thân thiện và bình đẳng; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhà trường). Thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp đối với học sinh lớp 9, lớp 12; đổi mới phương pháp và hình thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đáp ứng mục tiêu phân luồng học sinh, nhất là phân luồng sau THCS. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; chú trọng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GV ngoại ngữ. 

Thứ ba, đổi mới về quản lý, quản trị nhà trường. Sở GD&ĐT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục theo hướng phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại từ Sở đến các cơ quan, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh và sử dụng có hiệu quả. Triển khai phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-office) – kết nối các Sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị, thành, đơn vị cơ sở phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành trên môi trường mạng. Cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông được triển khai  đến tất cả các đơn vị cơ sở trong toàn tỉnh để kết nối, liên thông, trao đổi dữ liệu giữa phần mềm quản lý giáo dục. Các trường đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà giáo, quản lý kết quả học tập của học sinh, hỗ trợ xếp thời khoá biểu, tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng; quản lý thư viện trường học, tài chính; ứng dụng trong việc dạy học, quản lý học sinh. 

Thứ tư, đổi mới về công tác thi đua- khen thưởng. Nhận thức sâu sắc vai trò vị trí của công tác thi đua khen thưởng, trong những năm qua, Sở GD&ĐT Phú Thọ luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động như “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Phong trào thi đua “Hai tốt”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện học sinh”. Các đơn vị, nhà trường đã cụ thể hóa việc hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần chuyển biến từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên trong ngành.

Với tinh thần trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp cộng hưởng cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành đoàn thể chính trị – xã hội và các huyện, thị, thành; sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh giai đoạn 2015-2020 có những bước tiến vững chắc, đạt được nhiều thành tựu trong nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người, góp phần vào sự phát triển của quê hương Đất Tổ.

Quy mô, mạng lưới trường, lớp toàn tỉnh tiếp tục được củng cố và phát triển, không ngừng mở rộng theo hướng đa dạng hoá, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 923 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với trên 380.000 học sinh, tăng 8 trường mầm non, phổ thông và tăng 60 nghìn học sinh so với năm 2015. Số trường học đạt chuẩn Quốc gia là 753 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 82,5% tổng số trường, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra; tăng 213 trường so với năm 2015. 

Số lượng, chất lượng đội ngũ CBQL giáo dục và giáo viên các cấp ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ cán bộ, giáo viên về cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ đào tạo. Toàn ngành hiện có 28.514 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn dần được nâng lên. Nhiều thầy giáo, cô giáo say sưa đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào dạy học, góp phần phát huy cao độ phẩm chất, năng lực của người học. Triển khai có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW, tích cực tham gia cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là 1 trong 10 Sở GD&ĐT đứng đầu cả nước về số lượng GV, HS tham gia và có chất lượng tốt nhất. 

Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao. Liên tục trong nhiều năm, tỉnh Phú Thọ có các trường THPT đứng trong top 200 trường có điểm bình quân thi đại học cao nhất cả nước (Chuyên Hùng Vương, Long Châu Sa, Thanh Thủy, Việt Trì). Kết quả thi THPT quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ qua từng năm: Từ vị trí số 41 năm 2015 đến năm 2019 Phú Thọ đã vươn lên giành vị trí số 11/63 tỉnh thành của cả nước; hai năm liên tiếp (năm 2018 và 2019) Phú Thọ có học sinh thủ khoa cả nước với điểm số gần tuyệt đối (Học sinh Lê Bá Hoàng: 29,55 và Ngô Thu Hà 29,8 điểm- đều là học sinh của Trường THPT Chuyên Hùng Vương). Chất lượng giáo dục mũi nhọn đã khẳng định vị thế của Giáo dục Phú Thọ không chỉ trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc mà còn trong phạm vi cả nước. 5 năm qua, tỉnh Phú Thọ có 3 học sinh dự thi quốc tế: 1 Huy chương Đồng Olympic Hóa học- năm 2015, 1 Huy chương Đồng Olympic Sinh học- năm 2019 và 1 Bằng khen Olympic Sinh học quốc tế- năm 2020; có 284 em học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, 30 dự án đạt giải trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT cấp Quốc gia. Năm 2020, 1 học sinh của Trường THPT Chuyên Hùng Vương tham gia thi Vô địch Tin học Văn phòng thế giới Moswc, đạt giải Nhất vòng chung kết Quốc gia, được tham gia Vòng chung kết thế giới (được tổ chức tại Mỹ năm 2021. 

Những thành tích thể hiện nỗ lực của ngành Giáo dục Phú Thọ trên chặng đường 5 năm vừa qua đã được các cấp ghi nhận, biểu dương, khen thưởng: Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 13 tập thể, tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 27 cá nhân; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động cho 7 tập thể và 6 cá nhân; tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 3 nhà giáo; 5 năm liên tục, Sở GD&ĐT hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 3 lần Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc; 2 lần được Chính phủ tặng Cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước…

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tạo dựng nền tảng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Sở GD&ĐT xác định mục tiêu: Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình phổ thông 2018; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì phát triển vững chắc trên cả ba mặt: Quy mô, chất lượng và hiệu quả. Phấn đấu chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn đứng đầu khu vực và duy trì vị trí 15/63 tỉnh, thành trong cả nước. Để hoàn thành được mục tiêu lớn này, cùng với các giải pháp cụ thể, đồng bộ đã và đang được triển khai tới từng cơ sở giáo dục trong tỉnh, toàn ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, khí thế quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới và sáng tạo. Các thành tích của ngành Giáo dục sẽ ngày càng đóng góp quan trọng vào hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực trung du miền núi Bắc Bộ.

Nguyễn Văn Mạnh
TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT


Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close