Xã hội

Kỳ II: Hiệu quả từ cách làm hay

Kỳ II: Hiệu quả từ cách làm hay
Việc duy trì và phát triển các đội bóng đá, bóng chuyền hơi cho thanh, thiếu niên tham gia đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt hè tại khu Bắc Tiến 2, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê.

>>> Kỳ I: Còn nhiều bất cập

PTO – Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh hiện nay còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo sức hút, tạo hiệu quả giáo dục trong học sinh. Trước thực trạng đó, một số địa phương đã có sáng kiến, cách làm sáng tạo, mở ra hướng mới cho sinh hoạt hè thêm phần hấp dẫn, hiệu quả.

Vì sao sinh hoạt hè thiếu sức hút?

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Tâm, việc tập hợp, huy động đoàn viên là yếu tố then chốt trong công tác xây dựng tổ chức Đoàn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn dân cư, phần lớn đoàn viên thường xuyên đi làm ăn xa nên việc huy động, tập hợp đoàn viên trong sinh hoạt Đoàn và triển khai các hoạt động, trong đó có sinh hoạt hè cho học sinh gặp phải không ít khó khăn. Đoàn viên Hoàng Thị Hà ở khu 18, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao tâm sự: “Khi còn đi học đại học, mỗi dịp về nghỉ hè, tôi thường tham gia các hoạt động Đoàn tại khu dân cư. Kể từ sau khi tốt nghiệp, do chưa tìm được công việc phù hợp với ngành nghề đã học nên tôi xin đi làm ở khu công nghiệp Thụy Vân để trang trải cuộc sống. Vì công việc theo ca kíp nên không còn thời gian tham gia tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng”. Đó cũng là lý do khiến công tác phát triển đoàn viên trên địa bàn tỉnh thời gian qua hiệu quả chưa như mong muốn. Việc đoàn viên thanh niên thiếu mặn mà với sinh hoạt Đoàn nói chung, có sinh hoạt hè nói riêng, thêm vào đó độ tuổi trung bình của đoàn viên tại các chi đoàn thường cao, chất lượng đoàn viên không đồng đều đã khiến việc tổ chức sinh hoạt hè thiếu sự đổi mới, khâu tổ chức nhiều khi còn lúng túng.

Thực tế cho thấy, công tác thiếu nhi ở địa bàn khu dân cư hiện nay còn hạn chế do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân nhiều bậc phụ huynh quá coi trọng việc học văn hóa, sợ cho con tham gia các hoạt động hè sẽ ảnh hưởng đến học tập nên khi hè về, thay vì cho con được “chơi mà học” họ lại đưa con đi học thêm các lớp văn hóa, vì thế các em không còn thời gian để tham gia sinh hoạt hè nơi cư trú. Nội dung sinh hoạt hè đa số còn sơ sài, chủ yếu vẫn là cho các cháu tập vài bài múa hát, chơi các trò chơi tập thể. Nhiều nơi tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi chỉ cốt để mọi người biết còn sự hiện diện của tổ chức Đoàn. Hơn nữa, kinh phí dành cho hoạt động này rất eo hẹp, nhiều khi cán bộ đoàn ở khu phải bỏ tiền túi để chi phí cho việc khuyến khích các em tham gia hoạt động. Từ những lý do trên khó tránh khỏi hoạt động hè chỉ mang tính hình thức, làm cho xong để có căn cứ nhận xét vào phiếu đánh giá sinh hoạt hè. Việc bố trí thời gian sinh hoạt hè tập trung tại nhà văn hóa khu dân cư mỗi nơi làm một kiểu. Như ở huyện Cẩm Khê khuyến khích mỗi chi đoàn tổ chức sinh hoạt hè 1 buổi/tuần, thậm chí có chi đoàn 2 tuần mới tổ chức một buổi khiến hoạt động trở nên rời rạc, khó tạo sự gắn kết, duy trì nền nếp. Một nguyên nhân khác là chất lượng phong trào Đoàn, Đội tại cơ sở còn yếu kém, chưa đủ sức thu hút, tập hợp các em.

Bên cạnh đó, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên có tính đặc thù, trong đó vai trò “thủ lĩnh” của cán bộ Đoàn, nhất là bí thư chi đoàn phải được đề cao. Để cán bộ Đoàn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác cần sự quan tâm nhiều mặt, trong đó có giải pháp bố trí để cán bộ Đoàn kiêm nhiệm thêm một số chức danh nhất định theo nội dung Kết luận số 49-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn đáp ứng được các công việc kiêm nhiệm nhưng đảm bảo độ tuổi quy định lại không hề đơn giản. Theo cách nói của Bí thư Huyện đoàn Cẩm Khê Đỗ Thị Kim Quý là phải “chọn người ghép vào công việc chứ không phải công việc chọn người”. Đây cũng là một trong những khó khăn, chưa tạo được lòng nhiệt huyết, gắn bó với các hoạt động đoàn ở nơi cư trú.

untitled-1-1562807612
Lớp học tiếng Anh miễn phí buổi tối trong dịp hè ở xã Sông Lô, thành phố Việt Trì thu hút đông các em nhỏ tham gia.

Những cách làm hay 

Từ đầu tháng 6 đến nay, cứ vào 19h30’ thứ 4 hàng tuần, gần 60 bạn nhỏ ở các khu dân cư trên địa bàn xã Sông Lô, thành phố Việt Trì lại tập trung ở hội trường UBND xã để tham gia lớp học tiếng Anh do các anh, chị cán bộ đoàn xã tổ chức. Ngoài thời gian sinh hoạt hè tại nhà văn hóa khu 7, Nguyễn Đức Bảo (9 tuổi) còn hào hứng tham gia lớp học tiếng Anh này. Bảo cho biết: “Em rất thích lớp học vì được các anh chị thanh niên dạy thêm nhiều từ mới, cách phát âm từ vựng, giao tiếp, đố vui bằng tiếng Anh. Vừa học, vừa chơi khiến em thấy thoải mái và bổ ích hơn so với ngồi nhà xem phim hoạt hình”. Đây là mùa hè thứ 2 lớp học tiếng Anh miễn phí được duy trì do một số anh chị sinh viên của địa phương đang học tại các trường đại học tình nguyện về giúp các em nhỏ. Bạn Đỗ Thị Thu Phương, sinh viên Khoa sư phạm, Trường Đại học Hùng Vương tâm sự: “Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian quý báu để em có thể tham gia hỗ trợ các bạn đoàn viên nơi cư trú tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi. Nhận thấy các em nhỏ trong xã rất yêu thích môn tiếng Anh nên em tự nguyện làm cô giáo truyền cảm hứng học ngoại ngữ, giúp các em ôn tập vốn từ vựng để sẵn sàng bước vào năm học mới đạt kết quả cao”.

 Trước nhu cầu ngày càng cao về sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè, nhất là trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, tại xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, BCH Đoàn xã đã đứng ra huy động người dân chung tay để tạo các sân chơi cho trẻ. Những chiếc đu, bập bênh được sửa sang lại từ những chiếc lốp xe cũ qua bàn tay của các đoàn viên thanh niên đã trở thành những thứ đồ chơi hấp dẫn với các em. Vào các buổi chiều, sân nhà văn hóa khu Bắc Tiến 2 lại náo nhiệt với tiếng cười nói, vui đùa của trẻ nhỏ. Các em tham gia đá bóng, chơi bóng chuyền hơi, đu quay, bập bênh…, từ đó hạn chế những việc làm vô bổ, mất an toàn như leo trèo, tắm sông… Chỉ cần mỗi địa phương xây dựng được ít nhất một điểm vui chơi cho thanh, thiếu nhi như vậy sẽ góp phần giúp trẻ em vùng nông thôn, miền núi vui hè bổ ích, đầy hứng thú. Còn ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì đã tổ chức các khóa tu mùa hè, mỗi khóa tu thu hút hàng trăm em nhỏ tham gia. Hoạt động này cũng đang nhận được sự ủng hộ của người dân và sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh.

Trước thực trạng đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở, nhất là Bí thư các chi đoàn trên địa bàn dân cư thường xuyên có sự biến động, đội ngũ cán bộ mới kiện toàn còn yếu và thiếu kỹ năng nghiệp vụ, đòi hỏi công tác đào tạo bồi dưỡng kỹ năng phải được tiến hành thường xuyên. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phân cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho 100% cán bộ Đoàn. Việc đổi mới nội dung, đa dạng hình thức sinh hoạt theo chủ đề, sinh hoạt ghép, liên kết giữa các chi đoàn gắn với tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao sẽ khắc phục tình trạng khô cứng, đơn điệu trong sinh hoạt hè, tạo bầu không khí sôi nổi, thu hút đông đảo ĐVTN, thiếu niên, nhi đồng tham gia… Để có thể tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi trong dịp hè, một số cơ sở đã tạo nguồn kinh phí thông qua xã hội hóa, đổi mới mạnh mẽ nội dung sinh hoạt theo hướng bám sát tình hình thực tế địa phương. Tuy nhiên, để góp phần thay đổi thực trạng hoạt động hè cho thiếu nhi, các cơ sở Đoàn – Đội cũng rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở cơ sở nhưng hơn hết, tổ chức Đoàn phải thực sự là mái nhà chung cho thanh niên được sống, cống hiến và phát triển; do đó phải thu hút, tập hợp được đoàn viên vào các hoạt động. Muốn làm được điều đó, các cấp bộ đoàn cần tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật, dạy nghề để giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên, thực hiện phương châm “hướng về cơ sở”, “bám nắm cơ sở”, triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư, trong đó có hoạt động sinh hoạt hè, tạo sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích cho thiếu niên nhi đồng.

Thanh Nga – Hồng Nhung
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close