Văn hoá

Hình tượng con trâu trong văn hóa

Hình tượng con trâu trong văn hóa
Hình tượng con trâu xuất hiện nhiều trong các bức tranh dân gian Việt Nam

PTO  – Con trâu – con vật hiền lành, chăm chỉ, gắn liền với cuộc sống của những người nông dân cần cù, chịu khó ở các làng quê Việt Nam. Ít ai biết rằng, con trâu còn là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng thiêng liêng trong tiến trình lịch sử và văn minh nhân loại, là hình tượng mang ý nghĩa quan trọng trong các nền văn hóa trên thế giới.

Đối với văn hóa phương Tây, mặc dù không để lại nhiều dấu ấn, nhưng trong quan niệm về 12 con giáp của người Hy Lạp và Ai Cập cổ đại, trâu rừng tượng trưng cho sức mạnh và sự dũng mãnh, nó được được xếp đứng đầu, tiếp đó là sơn dương, sư tử, lừa, cua, rắn, cá sấu, hồng hạc, vượn, chim ưng, chuột. Trong 12 cung hoàng đạo của phương Tây, cũng có cung Kim Ngưu. 

Ở châu Phi, người ta ca ngợi sức mạnh của loài trâu thông qua truyền thuyết Quái vật mình trâu, đầu bò Catoblepas trong thần thoại Ethiopia cổ. Truyền thuyết kể về Catoblepas là vị thần có hình dáng mình trâu đầu bò. Chiếc đầu của Catoblepas luôn hướng xuống đất do cặp sừng quá nặng, cùng chiếc lưng lớn có nhiều gai nhọn sẽ bảo vệ chúng khỏi kẻ thù. Chúng có thể giết con mồi bằng hơi thở và khả năng hóa đá con mồi bằng cách nhìn thẳng vào mắt đối phương.

Một số dân tộc coi trâu như biểu tượng của sự giàu có hay địa vị xã hội. Chẳng hạn tộc người Mahafales ở phía Nam đảo Madagascar rất xem trọng trâu, họ cắm những cột gỗ tạc hình trâu trên mộ để biểu thị địa vị xã hội và sự giàu có của người đã mất.

Tại Tây Âu, người ta coi chiếc tù và làm bằng sừng trâu là biểu tượng của ngành bưu chính vì vào thời trung cổ, các lái buôn do đi nhiều nơi đã kiêm luôn cả việc chuyển thư, bưu kiện, mỗi khi đến một nơi họ lại thổi tù và sừng trâu để mọi người đến nhận hoặc gửi thư. 

le-hoi-dua-trau-hay-con-goi-la-le-hoi-wing-kwai-la-mot-trong-nhung-le-hoi-doc-dao-nhat-cua-thai-lan-1613704630
Lễ hội đua trâu hay còn gọi là Lễ hội Wing Kwai là một trong những lễ hội độc đáo nhất của Thái Lan.

Hình tượng con trâu xuất hiện nhiều hơn cả là trong văn hóa phương Đông. Trâu là một trong số 12 con vật tượng trưng cho chu kỳ 12 năm Địa Chi của người Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và một số quốc gia khác ở châu Á. Nó gắn liền với địa chi Sửu, đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác. Về tính âm dương, 12 con vật được chia xếp thành hai cực âm và dương đứng đan xen nhau, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm và gắn với những đặc tính cần cù, siêng năng, thật thà, khỏe mạnh… Người phương Đông cũng tìm thấy và đặt tên cho bốn chòm sao, gồm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc ứng với hành thủy, thuộc về mùa đông. Họ cho rằng sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng, thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt. Một số dân tộc theo Phật giáo ở phương Đông có nhiều câu chuyện về con trâu, mượn hình ảnh loài vật này để nói về triết lý, văn hóa, đạo lý sống.

Ở Việt Nam, trâu đã đi vào đời sống của người dân từ bao đời nay. Nền nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt sử dụng sức kéo của trâu, bò để làm đất phục vụ trồng trọt. Chính vì thế con trâu trở thành tài sản lớn nhất và quý giá nhất của người nông dân. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông nhấn mạnh: Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật. Luật Hình thư (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều quy định cụ thể những hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Ai bao che hoặc cố tình làm ngơ khi biết hành động của những kẻ trộm cắp trâu, bò cũng đều bị trừng phạt rất nặng.

Trong hội họa, điêu khắc và kiến trúc dân gian trâu luôn xuất hiện với vai trò là biểu tượng tài sản, phương tiện lao động, người bạn có phẩm chất gần gũi hiền lành của người nông dân. Các tác phẩm: Cưỡi trâu thả diều, Thư giãn, Cưỡi trâu thổi sáo (tranh Đông Hồ); các phù điêu hình tượng trâu tại các công trình kiến trúc dân gian: Chùa, đền làng, nhà thờ… thể hiện rất rõ điều này. Mái nhà cộng đồng của nhiều dân tộc được tạo hình đầu trâu như: Nhà cộng đồng người Cơ Tu (Nhà Gươl), nhìn từ xa, toàn bộ cấu trúc nhà Gươl mô phỏng hình dáng con trâu; trên mái nhà Rông của người Giẻ Triêng cũng có biểu tượng của hai chiếc sừng trâu. Con trâu còn là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần thượng võ, vì vậy, đã được chọn làm linh vật cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Sea Games 22) tổ chức tại Việt Nam năm 2003. Trên cơ sở đó, trâu nhanh chóng trở thành biểu tượng tiêu biểu và đặc sắc nhất trong nền văn hóa Việt, thể hiện cho sự thanh bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Còn tại Trung Quốc, con trâu đóng vai trò quan trọng trong văn học, tôn giáo, hội họa, ca dao, tục ngữ, phong tục… Người ta quan niệm trâu là biểu tượng cho cầu nối giữa trời và đất, người và tiên để thần tiên ban phước lành cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân gian an bình. Ai mơ trâu vàng đến nhà là điềm phú quý, cưỡi trâu vào thành là có hỉ sự, trâu sinh nghé là tâm thành ý nguyện. 

Tại Hàn Quốc, con trâu có vị trí vững vàng trong văn hóa, hình tượng con trâu được phác họa với những ý niệm tích cực của lòng vị tha, trắc ẩn và trung thành, bởi mối gắn kết lâu dài với con người, nhiều câu chuyện xa xưa kể về các gia đình phải bán trâu làm lộ phí cho con đi học và con trâu được coi là tài sản giá trị nhất của người nông dân. 

Hình ảnh con trâu cũng quan trọng với văn hóa Nhật Bản, con trâu được đưa vào thơ ca hay những tác phẩm điêu khắc, con trâu còn là một biểu tượng tôn giáo, được thờ cúng và xính mừng trong nhiều dịp lễ vì theo người Nhật thì con trâu có mối liên kết khá chặt chẽ với đạo Phật, hiện thân của con trâu trong Phật giáo Nhật Bản bắt nguồn từ Đạo giáo và bản tính của trâu hiền lành, siêng năng, nhẫn nại, tượng trưng cho tính thiện, bản chất của chúng sinh với niềm tin rằng ai cũng có thể được giác ngộ.

Tại Indonesia, tộc người Balak, người Minang Kabaus trên đảo Sumatra và người Torajas trên đảo Salawesi đều rất sùng kính trâu như một biểu tượng có vai trò lớn trong cuộc sống. Sự tích của người Minang Kabaus kể rằng ông tổ của họ nhờ một con trâu mà đánh thắng được giặc cướp, vì thế dân tộc này quyết định lấy tên là: Trâu chiến thắng (Minang = trâu, Kabaus = chiến thắng). Trong đám cưới của người Batak, bao giờ cũng có tổ chức chọi trâu với ý nghĩa những đặc tính của con trâu chiến thắng sẽ truyền sang đôi trai gái mới lấy nhau.

Ở Philippines, trâu carabao, trâu tamaraw được xem là biểu tượng của quốc gia. Hình ảnh con vật cũng được xuất hiện trên đồng xu 1 peso Philippines phiên bản từ 1980 đến đầu 1990. Ngày nay, trâu rừng Philippines cũng là linh vật của đội thể thao thuộc Đại học Viễn Đông (FEU Tamaraws) tại Hiệp hội Thể thao Đại học của Philippines, và Toyota Tamaraws thuộc Hiệp hội Bóng rổ Philippines.

Tại Ấn Độ vì bò là vật thần linh nên chẳng mấy ai dùng sữa bò. Ấn Độ đã dùng sữa trâu từ ngàn xưa. Tại vùng bắc Ấn là nơi có rất nhiều trâu sinh sống. Trong Hindu giáo, trâu là vật cưỡi của thần Yama, vị thần của cái chết và công lý, những bức tranh, tượng cổ Ấn Độ, Yama thường được mô tả đứng hoặc ngồi trên lưng trâu, một tay cầm gậy, một tay cầm dây thòng lọng để kéo hồn người chết ra khỏi thân xác. Mối liên hệ giữa Yama và trâu cho thấy biểu tượng trâu góp phần vào sự phán xét con người sau cái chết.

Hình ảnh con trâu hiện diện trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Ở mỗi nền văn hóa, con trâu lại có những vai trò khác nhau trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, chúng đều có điểm chung là biểu tượng cho sức mạnh, sự linh thiêng, mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống của con người tại mỗi quốc gia đó.

Hiếu Nghĩa
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close