Giáo dục

Cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật còn thiếu giáo viên chuyên biệt

img0612-1594197491

Năm học 2019 – 2020, Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì giảng dạy cho 120 học sinh theo học ở các lớp khiếm thính, khiếm thị và khuyết tật trí tuệ, trong đó có 40 học sinh ở nội trú.

PTO – Thời gian qua, giáo viên được đào tạo chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (giáo dục chuyên biệt và giáo dục hòa nhập) trên địa bàn tỉnh còn ít, cơ sở vật chất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương. Đây là nỗi trăn trở của nhiều trường chuyên biệt, của đội ngũ những người làm công tác quản lý, cũng như của những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 1 cơ sở giáo dục chuyên biệt, đó là Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì, với số lượng học sinh khuyết tật được vào học rất ít so với nhu cầu đi học của trẻ. Ông Trần Văn Thuật – Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì cho biết, hằng năm, số lượng phụ huynh đến xin cho con vào học là rất lớn, tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu giáo viên nên số lượng hồ sơ được nhận vào rất ít so với nhu cầu. Hiện nay, trung tâm có 33 cán bộ, giáo viên quản lý, giảng dạy cho 120 học sinh theo học ở các lớp khiếm thính, khiếm thị và khuyết tật trí tuệ, trong đó chỉ có 3 giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, còn là giáo viên phổ thông. Trung tâm đã xây dựng mô hình can thiệp cá nhân cho mỗi trẻ khuyết tật từ lâu, nhưng do số lượng giáo viên không đủ nên không thể thực hiện.

img-3043-1594197509

Trước khi được nhận vào học tại Trung tâm, các em được kiểm tra, đánh giá đầu vào.

Với phương pháp giáo dục mang tính đặc thù riêng, công tác giáo dục chuyên biệt đòi hỏi đội ngũ giáo viên ngoài trình độ chuyên môn vững vàng, phải có lòng yêu nghề, mến trẻ, tinh thần trách nhiệm cao và nghị lực vượt qua chính bản thân, chịu được áp lực công việc. Cô Nguyễn Như Quỳnh, giáo viên chuyên biệt của Trung tâm chia sẻ: Dạy học sinh chuyên biệt, “ vất vả ” hơn nhiều so với giáo viên dạy học cho học sinh bình thường, giáo viên phải luôn linh hoạt và có kỹ năng tốt để xử lý mọi tình huống có thể xảy ra. Chỉ một thay đổi nhỏ trong hành vi nhận thức của trẻ khuyết tật cũng là kỳ công lớn của đội ngũ giáo viên trường chuyên biệt.

Tình trạng thiếu giáo viên có chuyên môn sẽ gây khó khăn trong việc xử lí các tình huống xảy ra trong lớp, giúp học sinh kiểm soát được hành vi, ổn định tâm lý. Bên cạnh đó, số lượng trẻ khuyết tật gia tăng với đa dạng loại tật, gây trở ngại trong việc giảng dạy, truyền tải kiến thức phù hợp cho mỗi cá nhân học sinh khuyết tật. Các giáo viên phổ thông sau khi được nhận công tác tại cơ sở giáo dục chuyên biệt đều phải trải qua các khóa “đào tạo lại” và trong khoảng thời gian 2 đến 3 năm phải có sự hướng dẫn, kèm cặp giúp đỡ của những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trường đào tạo về ngành Giáo dục đặc biệt, trường đại học Hùng Vương là đơn vị duy nhất trên địa bàn mở mã ngành Công tác xã hội trong đó có các môn: Tâm lý giáo dục, Chăm sóc sức khỏe tâm thần…, nhưng mỗi năm số lượng học sinh đăng kí thi vào mã ngành này là rất thấp. Tiến sĩ Lê Thị Xuân Thu, Phó trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Hùng Vương nhận định: Mỗi năm, nhà trường đào tạo khoảng 20 sinh viên của ngành Công tác xã hội và có tới 70% sinh viên ra trường có công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Công tác xã hội và Giáo dục đặc biệt là những ngành có cơ hội việc làm tốt với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, do phụ huynh và học sinh chưa có nhận thức đầy đủ về ngành nghề, tình trạng thiếu giáo viên giáo dục chuyên biệt sẽ kéo dài nếu như không có giải pháp hỗ trợ.

Cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật còn thiếu giáo viên chuyên biệt

Tình trạng thiếu giáo viên sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật.

Để trẻ khuyết tật có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng và được trợ giúp phát triển tối đa tiềm năng cần có môi trường giáo dục hòa nhập hiệu quả. Để giải bài toán thiếu giáo viên chuyên biệt, đã đến lúc cần thay đổi chính sách ưu tiên trong tuyển dụng; có chế độ đãi ngộ tốt hơn; bồi dưỡng chuyên sâu Giáo dục đặc biệt cho đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng. Cùng với đó là việc phát triển hệ thống hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật, triển khai chương trình hành động, thực hiện giải pháp kỹ thuật đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trẻ khuyết tật. Để có được điều đó, cần lắm sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và cả toàn xã hội.

 

Như Quỳnh
Nguồn bài viết: Báo Phú Thọ

Back to top button
Close